Coffee Density
Mật độ hạt cà phê là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của hạt cà phê. Đây chính là đặc tính để chúng ta gọi cà phê đặc hay xốp. Thế nhưng không phải ai cũng biết về mật độ hạt cà phê và ảnh hưởng của nó đến hương vị tách cà phê. Cùng Cà Nhê tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Mật độ hạt cà phê là gì?
(nguồn ảnh: Prime Coffea)
Mật độ là đại lượng thể hiện lượng vật chất trên mỗi đơn vị đo (chiều dài, diện tích hay thể tích). Chúng ta có thể tính toán mật độ bằng cách lấy khối lượng chia thể tích. Mật độ hạt cà phê là tỷ lệ giữa trọng lượng của hạt cà phê với thể tích của nó, được tính bằng đơn vị g/ml hoặc g/cm3.
Mật độ hạt cà phê chính là cơ sở để chúng ta nói hạt nào đó là đặc hay xốp. Mật độ hạt càng cao thì hạt càng đặc. Chỉ cần nhìn bằng mắt thường chúng ta cũng có thể cảm nhận được độ chắc, cứng của hạt đó.
Điều gì dẫn tới mật độ hạt khác nhau?
(nguồn ảnh: 43 Factory)
Mật độ hạt cà phê không phải là đặc tính “bẩm sinh”, nó có thể bị tác động, biến đổi bởi nhiều yếu tố khác nhau. Người nông dân có thể dựa vào độ cao để kìm hãm quá trình hô hấp của cây, từ đó củng cố mật độ hạt cà phê. Ngoài độ cao, bóng râm, mật độ cây trồng, độ dốc, sự đa dạng của dưỡng chất trong đất, giống cà phê, độ chín của quả,… đều có thể ảnh hưởng đến mật độ hạt cà phê.
– Bóng râm: Nhiều loại cây che bóng khác nhau có thể cung cấp bóng râm để giúp cây mát hơn và tăng mật độ hạt sau khi chín
– Mật độ cây trồng: Khi nhiều cây được trồng gần nhau chúng có thể tự che bóng, cây mát hơn, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi ánh mặt trời nên mật độ hạt càng lớn hơn.
– Độ dốc: Khi trồng cây ở sườn bắc ngọn núi, nơi mặt trời không chiếu trực tiếp, nhiệt độ sẽ lạnh hơn, hô hấp tế bào chậm hơn dẫn đến mật độ hạt lớn hơn.
Trên cùng một cây, mật độ hạt cà phê cũng có thể khác nhau giữa các quả. Những quả cuối cành thường xốp hơn quả ở gần thân cây vì chất dinh dưỡng được tập trung nhiều hơn vào giữa cây.
Mật độ hạt nói lên điều gì?
(nguồn ảnh: Torch coffee lab)
Cấu tạo hạt cà phê cũng giống như tổ ong, đó là cấu trúc cellulose rỗng (tương tự như gỗ). Cấu trúc này có tác dụng giữ chất dinh dưỡng cho phôi. Tuy nhiên, đôi khi các hạt chỉ được lấp đầy một phần – và vì vậy, nó “xốp” hơn với hương vị yếu hơn. Trong khi những hạt “đặc” chứa nhiều tiền chất tạo hương vị hơn nên có hồ sơ hương vị đa dạng hơn.
Đối với cà phê nhân xanh, mật độ hạt cao hơn thì hạt cà phê sẽ cứng, chắc chắn hơn. Cách những hạt này hấp thụ năng lượng, chịu lực, nứt vỡ và phát triển cũng khác với những hạt xốp hơn.
Đối với rang cà phê, người rang sẽ điều chỉnh các thông số để phù hợp với từng đặc tính mật độ của hạt. Những hạt cà phê có mật độ khác nhau sẽ có quá trình biến đổi khác trong quá trình rang. Hạt đặc có cấu trúc tế bào chặt chẽ hơn, phức tạp hơn. Cấu trúc này tạo ra nhiều tiềm năng hơn cho đường và axit phát triển trong quá trình rang. Hạt đặc sẽ dẫn nhiệt hiệu quả hơn và thường sẽ rang nhanh hơn một chút. Hạt xốp có thể cần nhiều thời gian hơn để rang và sự truyền nhiệt diễn ra bên trong hạt chậm hơn (hạt xốp chứa nhiều không khí bên trong hơn), nhiệt độ rang cao có thể dẫn đến cháy xém và phát triển không đồng đều.
Nguồn tham khảo: