
Phân bón hữu cơ cho cây cà phê
Mục đích của việc hiểu về nhu cầu dinh dưỡng đối với cây cà phê là để cung cấp cho cây đúng các chất dinh dưỡng cần thiết với tỷ lệ thích hợp, đủ về số lượng, bón đúng cách, thời gian bón phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng của cây. Bón phân cân đối là cơ sở đảm bảo cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và giảm ảnh hưởng xấu cho môi trường.
(Nguồn ảnh: Level Ground Coffee Roaster)
Việc bón phân cân đối
Có hai cơ sở chính để cân đối lượng phân bón cho phù hợp:
-
Căn cứ vào lượng chất dinh dưỡng cây lấy đi từ đất: Trong suốt chu kì sinh trưởng, phát triển của cây. Việc ước lượng năng suất vườn cà phê đạt được là cần thiết để làm cơ sở tính toán lượng phân bón hợp lý.
-
Căn cứ vào lượng chất dinh dưỡng dự trữ sẵn có trong đất (độ phì đất): Phân tích đất để đánh giá độ phì nhiêu của đất giúp tính toán, xác định lượng phân bón cung cấp cho cây cà phê theo năng suất thu hoạch. Đây là một biện pháp kỹ thuật để định lượng phân theo cơ sở khoa học nhằm sử dụng phân bón một cách hiệu quả cao.
Nguồn: Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI)
-
Căn cứ vào tình trạng dinh dưỡng của cây: Chẩn đoán dinh dưỡng trên lá giúp theo dõi tình trạng dinh dưỡng của cây vào những thời điểm nhất định để bổ sung, điều chỉnh kịp thời. Lấy mẫu lá và phân tích giúp xác định hàm lượng các chất dinh dưỡng trong lá. Phương pháp này phản ánh chính xác nhu cầu về dinh dưỡng vì nó biểu thị những gì cây cà phê hấp thu được.
-
Dựa trên thí nghiệm đồng ruộng: Một phương pháp rất phổ biến được áp dụng để xây dựng qui trình bón phân cho cây trồng là thí nghiệm đồng ruộng. Biện pháp này không quá phức tạp, tuy nhiên cần phải làm nhiều thí nghiệm và lặp lại theo không gian cũng như thời gian.
Phân hữu cơ cho cây cà phê
Ngoài tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho cây (đa, trung và vi lượng) giúp tăng năng suất cây trồng. Thì việc sử dụng phân hữu có có thể mang đến nhiều lợi ích bổ sung như: Cải thiện độ phì nhiêu của đất (lý và hóa tính); Cải thiện hệ vi sinh vật có lợi trong đất, kìm hãm tác hại của các vi sinh vật gây hại từ đất như nấm, tuyến trùng…; Giữ ẩm cho đất; Hạn chế xói mòn và rửa trôi đất; Tăng hiệu quả của phân hóa học và tăng hiệu quả sử dụng nước của cây cà phê.
(Nguồn ảnh: Maren Barbee)
Phân hữu cơ góp phần vào độ phì nhiêu của đất bằng cách bổ sung chất hữu cơ và chất dinh dưỡng, chẳng hạn như nitơ, được vi khuẩn, nấm và các sinh vật khác trong đất sử dụng. Sau đó, các sinh vật bậc cao ăn các loại nấm và vi khuẩn trong chuỗi thức ăn tạo nên mạng lưới thức ăn trong đất.
Các loại phân hữu cơ thường sử dụng cho cà phê
Phân chuồng: Là loại phân hữu cơ chủ đạo dùng để bón cho cà phê. Đây là loại phân rất quý không những làm tăng năng suất cà phê từ 5 – 20% mà còn làm tăng hệ số sử dụng phân hóa học, hệ số sử dụng nước tưới, cải thiện độ phì nhiêu của đất (về lý tính, hóa tính và sinh học). Phân chuồng được ủ thường có hàm lượng các chất dinh dưỡng dễ tiêu trong phân cao hơn các loại phân súc vật không được ủ hay ủ không được che đậy. Ủ phân còn có ưu điểm là nhiệt độ nóng trong đống phân sẽ diệt chết nhiều loại hạt cỏ và ngăn ngừa một số mầm bệnh truyền nhiễm có trong phân.
(nguồn ảnh: Maren Barbee)
Phân xanh và các tàn dư thực vật trên đất: Gồm thân lá các loại cây mọc hoang dại như cúc quỳ, cây cỏ Lào (cây bốp bốp, cây cộng sản), đặc biệt là thân lá các loại cây họ đậu. Cây phân xanh họ đậu không những có ý nghĩa to lớn trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây cà phê thông qua vòng tuần hoàn sinh học bởi năng suất chất xanh rất lớn mà còn có tác dụng cải tạo đất, chống xói mòn do mưa và do gió. Các loại cây phân xanh họ đậu thường dùng phổ biến như muồng hoa vàng lá tròn (Crotalaria striata), muồng lá dài (Crotalaria usaramoensis)…
Tàn dư thực vật trên vùng trồng cà phê bao gồm các loại cỏ dại, cành lá rụng của cà phê là những nguyên liệu hữu cơ có thể bón cho cà phê hàng năm thông qua kỹ thuật ép xanh. Ép xanh tàn dư thực vật trên lô cà phê là hình thức bón phân hữu cơ cho đất và góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón.
Phân hữu cơ sinh học từ than bùn: Đa số các loại than bùn dùng làm phân bón ngay thì hiệu quả không cao vì chất dinh dưỡng đạm ở dạng hữu cơ, hàm lượng lân, kali dễ tiêu thấp và than bùn có phản ứng chua, ngoài ra trong than bùn có chứa 1 hợp chất bitum khó phân giải, chứa một số các chất có thể gây độc như H2S, CH4, Fe, Al. Do vậy than bùn cần được chế biến đúng cách để biến các chất khó tiêu thành dễ tiêu, khử các chất độc để biến than bùn thành loại phân hữu cơ tốt cho cây trồng. Ngày nay do tiến bộ của khoa học công nghệ về sản xuất phân hữu cơ nên than bùn đã được dùng là nguyên liệu nền cơ bản cho việc sản xuất các loại phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng…
Quy trình chung chế biến than bùn thành phân hữu cơ:
Than bùn → Xử lý bitum → Ủ (chế phẩm sinh học) → Phân hữu cơ sinh học
(Nguồn ảnh: Vietjack)
Phân hữu cơ từ vỏ quả cà phê: Vỏ quả cà phê có hàm lượng chất dinh dưỡng khá cao, có thể dùng làm phân bón rất tốt. Tuy vậy do hàm lượng C/N cao nên nếu để tự nhiên sẽ lâu hoai mục. Ngoài ra nếu đem bón trực tiếp cho cây trồng, quá trình phân hủy sẽ có sự hoạt động mạnh mẽ của vi sinh vật, cạnh tranh tạm thời dinh dưỡng với cây trồng. Để tăng nhanh quá trình hoai mục, vỏ quả cà phê cũng cần được ủ chung với phân chuồng và các chế phẩm sinh học.
Quy trình chung chế biến phân hữu cơ từ quả cà phê:
Vỏ cà phê → Xử lý (chế phẩm sinh học) → Ủ → Phân hữu cơ sinh học
Kỹ thuật bón phân hữu cơ
Tùy thuộc vào hàm lượng hữu cơ trong đất. WASI khuyến cáo chu kỳ bón phân hữu cơ cho cà phê như sau:
Liều lượng: Đối với phân chuồng, lượng bón từ 15 – 20 tấn/ha; đối với các loại phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh bón từ 3000 – 4000 kg/ha.
Phương pháp bón: Phân hữu cơ được bón theo rãnh vào đầu hay giữa mùa mưa, rãnh được đào dọc theo thành bồn rộng 20 cm, sâu 15 – 20 cm, sau khi bón phân cần lấp đất lại. Lần bón sau rãnh được đào theo hướng khác và luân phiên nhau.
Nguồn tham khảo:
Canh tác toàn tập (Sách, Prime Coffea xuất bản)