RAAW

Phân bón hóa học (vô cơ) cho cây cà phê

RAAW COFFEE Friday, 21 February, 2025

Ở phần trước chúng ta đọc tìm hiểu qua việc ủ phân hữu cơ cho cây cà phê, nhưng thực tế trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung cấp những phân bón hóa học cho cà phê, giá cả hợp lý, tiện dụng và không mất nhiều thời gian và công sức cho việc ủ như phân hữu cơ.

 

Phân hóa học cho cây cà phê

Phân hóa học (phân khoáng, phân vô cơ) được chia làm 3 loại là: phân đơn, phân trộn/hỗn hợp và phân phức hợp.

Phân đơn: Là loại phân chỉ chứa 1 trong 3 nguyên tố dinh dưỡng chủ yếu là N,P hoặc K (ví dụ phân kali clorua, phân canxi nitare). Bảng sau cho thấy thành phần trong một số loại phân đơn phổ biến ở các vùng trồng cà phê tại Việt Nam:

Phân trộn/hỗn hợp (physical mixed/blend fertilizer): Là loại phân được trộn từ hai loại phân khác nhau trở lên bằng phương pháp cơ học để đạt được công thức phân bón như mong muốn. Ví dụ như phân NPK trộn (phân ba màu), các loại phân NPK hỗn hợp một màu (một hạt) sản xuất theo phương pháp nghiền và trộn (steam granulation hoặc physical granulation).

(Nguồn ảnh: Kimmy Farm)

Phân phức hợp (chemical compound fertilizer): Là loại phân mà trong thành phần có chứa ít nhất hai chất dinh dưỡng đa lượng liên kết với nhau bằng liên kết hóa học. Ví dụ như phân NPK sản xuất theo công nghệ nitrophosphates.

(Nguồn ảnh: VGA)

Kỹ thuật bón phân hoá học

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đưa ra khuyến cáo lượng phân bón cho cây cà phê vối giai đoạn kiến thiết cơ bản và giai đoạn kinh doanh theo loại đất như sau:

Liều lượng: Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê từng giai đoạn sinh trưởng để bón phân. Với cà phê Tây Nguyên có thể áp dụng 4 đợt bón phân trong một vụ mùa cà phê:

  • Mùa khô (Sau thu hoạch hoa nở – đậu quả): Cây cần nhiều đạm, lân để phục hồi sau thu hoạch. Kali giúp tăng khả năng chịu khô hạn. Bo và kẽm tăng đậu quả: → Bổ sung: N, P, K, Ca, Zn.

  • Đầu mùa mưa (Quả bắt đầu phát triển): Cây cà phê cần tất cả các chất dinh dưỡng để nuôi quả, vươn cành. → Bổ sung: N, P, K, Ca, Mg, S, B, Cu, Zn, Fe, Mn, Mo.

  • Giữa mùa mưa (Quả phát triển mạnh): Cây cà phê cần tất cả các chất dinh dưỡng để nuôi quả, vươn cành. → Bổ sung: N, P, K, Ca, Mg, S, B, Cu, Zn, Fe, Mn, Mo.

  • Cuối mùa mưa (Phát triển nhân): Cây cần đạm để duy trì sinh trưởng sinh dưỡng và nuôi hạt. Kali nuôi hạt, tăng tỷ lệ chất khô, chất lượng nhân. Canxi giúp hạt chắc nặng. → Bổ sung: P, K, Ca.

Phương pháp bón: Bón rải theo hình vành khăn, rộng 15 – 20cm theo mép tán lá. Nếu bón các loại phân chứa đạm urê, đạm amon thì phải xới trộn đều với lớp đất mặt, lấp ở độ sâu 5 – 10cm để tránh bay hơi đạm. Nếu sử dụng loại phân dễ tan, chứa đạm nitrat thì bón sau khi tưới hoặc sau khi mưa, khi đất đủ độ ẩm, không nhất thiết phải lấp phân do đạm nitrate không bay hơi.

(Nguồn ảnh: Kỹ thuật trồng cây)

Trong trường hợp xuất hiện triệu chứng thiếu dinh dưỡng trên vườn, có thể sử dụng phân bón lá phun bổ sung. Chú ý phun đúng nồng độ vào sáng sớm hoặc chiều, tránh nắng và mưa to.

Trong khuôn khổ hợp tác công tư (PPP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Tiểu ban Sản xuất trực thuộc Ban Điều phối ngành hàng cà phê (VCCB) đã thực hiện 71 mô hình thí điểm tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai. Các mô hình được chọn ngẫu nhiên theo tập quán canh tác của nông dân trồng cà phê. Diện tích mỗi mô hình từ 0,25ha đến 0,5 ha. Tổng kết các mô hình trình diễn cho thấy, việc áp dụng quy trình dinh dưỡng cân đối, bón đúng loại phân và đúng cách cho hiệu suất sử dụng phân bón cao, giảm số lượng phân bón trên một đơn vị diện tích, đạt năng suất và lợi nhuận cao hơn cách bón phân truyền thống.


Nguồn tham khảo:

Canh tác toàn tập (Sách, Prime Coffea xuất bản)

Bạn đang xem: Phân bón hóa học (vô cơ) cho cây cà phê
Bài trước Bài sau

Giỏ hàng

Gửi email cho chúng tôi
Xem địa chỉ doanh nghiệp