RAAW

Hiệp hội Cà phê Đặc sản/ Specialty Coffee Association (SCA)

RAAW COFFEE Monday, 01 April, 2024

Nếu bạn đọc có hay vi vu những quán cà phê specialty hay phục vụ pour-over có để ý rằng, họ hay treo những tấm áp-phích về vòng tròn hương vị hay những tấm bằng của SCA không? Liệu đây có phải là thước đo cho một quán cà phê ngon nhỉ?

Cùng Cà Nhê tìm hiểu thêm về SCA và vì sao SCA lại khiến cho các barista “tôn sùng” như vậy nhé!

SCA hay Specialty Coffee Association (Hiệp hội Cà phê Đặc sản) có hai văn phòng đại diện tại bang California (Mỹ) và Essex (Vương Quốc Anh). Là một tổ chức phi lợi nhuận tiên phong của ngành cà phê specialty, tập hợp và kết nối các thành viên đại diện cho hàng nghìn chuyên gia cà phê, từ nhà sản xuất, các nhà rang xay đến nhân viên pha chế trên khắp thế giới. Được xây dựng trên nền tảng cởi mở, toàn diện và sức mạnh của kiến ​​thức được chia sẻ, chúng tôi thúc đẩy cộng đồng cà phê toàn cầu và hỗ trợ hoạt động để biến cà phê đặc sản trở thành một hoạt động thịnh vượng, công bằng và bền vững cho toàn bộ chuỗi giá trị.
(theo https://sca.coffee/ )

 

Tầm nhìn của SCA

SCA là một tổ chức về cà phê uy tín hàng đầu, có tầm ảnh hưởng lớn tới nền cà phê thế giới nhờ tầm nhìn xa và bền vững cho cộng đồng cà phê. SCA thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động để đưa cà phê specialty phát triển mạnh, công bằng và bền vững. Hướng đến việc tạo ra một tổ chức hoạt động hiệu quả, đích thực và năng động để mang lại chân giá trị và danh tiếng cho ngành cà phê specialty trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, tổ chức tiên phong này còn mang nhiệm vụ thu hút, truyền cảm hứng và mở rộng cộng đồng cà phê specialty toàn cầu bền vững thông qua vai trò dẫn đầu trong các sự kiện, giáo dục và nghiên cứu.

 

Tiền thân và sự ra đời của SCA

Được thành lập vào tháng 1 năm 2017, là kết quả từ sự hợp nhất của Hiệp hội Cà phê Specialty Hoa Kỳ – Specialty Coffee Association of America (SCAA) và Hiệp hội Cà phê Specialty Châu Âu – Speciality Coffee Association of Europe (SCAE), SCA kết hợp lịch sử phong phú ở cả hai bờ Đại Tây Dương và trên toàn thế giới.

Hiệp hội Cà phê Specialty Hoa Kỳ (SCAA) được thành lập vào năm 1982 bởi một nhóm nhỏ các chuyên gia cà phê tìm kiếm một diễn đàn chung để thảo luận các vấn đề và đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng cho thương mại cà phê specialty.

Hiệp hội Cà phê Specialty Châu Âu (SCAE) trước đây được thành lập tại một cuộc họp các đại diện của cộng đồng cà phê Châu Âu tại London (Anh) vào năm 1998.

Đến năm 2016, cả hai tổ chức này đã kết hợp lại gần 10.000 thành viên và hỗ trợ một mạng lưới phát triển mạnh gồm các chương trình do tình nguyện viên lãnh đạo trên khắp Châu Âu.

HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO CỦA SCA đã tạo ra nhiều thế hệ người làm cà phê tài năng

SCA tổ chức các chương trình đào tạo, đây là một trong những hoạt động thiết yếu nhằm nâng cao kỹ năng và phát triển niềm đam mê dành cho bất kỳ ai muốn theo đuổi ngành công nghiệp cà phê specialty. Tham dự các khóa học tại đây, bạn sẽ được các giảng viên ủy quyền của SCA trên toàn cầu đào tạo và cấp chứng chỉ quốc tế.

Nội dung khóa học gồm có:

  • Introduction to Coffee: giới thiệu về cà phê
  • Barista Skills: kỹ năng cho barista
  • Brewing: phương pháp pha cà phê
  • Green Coffee: kỹ năng liên quan đến đánh giá, thương mại và xử lý cà phê nhân
  • Roasting: kỹ năng rang
  • Sensory Skills: kỹ năng cảm quan

Mỗi khóa học sẽ có 3 cấp độ khác nhau, tùy thuộc vào mong muốn của từng học viên từ Foundation (nền tảng) đến Intermediate (trung cấp) và Professional (chuyên nghiêp). Bạn sẽ được tổng hợp điểm qua từng giai đoạn. Đạt được 100 điểm trong chương trình Coffee Skills Program là bạn đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ Coffee Skills Diploma của SCA.

Đây cũng là một bước đi quan trọng nếu bạn muốn đứng ở vị trí Giảng viên ủy quyền của SCA (Authorized SCA Trainer – AST). Sau khi hoàn thành khóa học và lấy chứng chỉ Chuyên nghiệp của bộ môn mình chọn lựa, bước tiếp theo bạn sẽ nộp đơn đăng ký tham dự khóa học để trở thành AST. Khi được xét duyệt và chấp nhận, bạn được tham gia khóa học do SCA trực tiếp huấn luyện trong 2 ngày. Vượt qua bài kiểm tra cuối cùng, bạn sẽ chính thức trở thành một AST, giấy phép AST có thời hạn trong ba năm.

Những chứng chỉ này gần như là một tấm passport trong ngành cà phê giúp các barista, nhà rang xay và giảng viên về cà phê tự tin hơn về trình độ của bản thân.

 

 

Nhắc tới SCA ta không thể nào quên nhắc tới những nghiên cứu của họ, thứ đã làm nên tên tuổi và độ uy tín của SCA trong lòng những học sĩ, người làm cà phê:

Hệ thống tính điểm cà phê specialty của SCA

SCA đã đưa ra một hệ thống điểm để xếp hạng hương vị của cà phê. Tiêu chuẩn của SCA là một khuyến nghị chất lương cao của Ủy ban Tiêu chuẩn (Standards Committee). Đây là một thước đo dựa trên thử nghiệm khoa học, được áp dụng trên toàn cầu về cà phê specialty.

(nguồn: Prime Coffea)

Phương pháp thử SCA là nếm sáu tách cà phê cùng một lúc. Mỗi tách sử dụng 7 gam cà phê xay và 125 gam nước, ngâm trong 4 phút trước khi bắt đầu nếm thử. Vì cùng một lượng nước được sử dụng cho mỗi cốc, tỷ lệ chiết xuất sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ mịn hay thô của quá trình xay. Để giải thích điều này, người giám định sử dụng các cài đặt xay khác nhau cho từng mẫu.

Về chi tiết của cupping form, hẹn các bạn đọc ở những số Blog tới, Cà Nhê sẽ cố gắng giải mã chi tiết và dễ hiểu nhất có thể về form chấm điểm này!

Và cuối cùng không thể nhắc tới nhưng cuộc thi, sự kiện mà nhà tổ chức chính là SCA:

Giải Vô địch Barista Thế giới (World Barista Championship)

Giải Vô địch Latte Art (World Latte Art Championship)

Giải Vô địch pha Thủ công Thế giới (World Brewers Cup)

Giải vô địch Cà phê Rượu mạnh Thế giới (World Coffee in Good Spirits)

Giải Vô địch Thử nếm Thế giới (World Cup Tasters Championship)

Giải Vô địch Rang cà phê Thế giới (World Coffee Roasting Championship)

Giải Vô địch Pha chế Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ (Cezve/Ibrik Championship)

 

Nhờ những hoạt động hướng đến duy trì các giá trị cộng đồng trong phát kiến, hoạt động đào tạo cùng các cuộc thi danh tiếng… đồng thời giữ vai trò tiên phong trong những nghiên cứu mới nhất về cà phê, Hiệp hội Cà phê Specialty – SCA đã tạo được một bước đệm vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp cà phê specialty trên toàn thế giới.


Nguồn tham khảo:

https://coffeerary.vn/tong-quan-ve-hiep-hoi-ca-phe-specialty-sca/

https://sca.coffee/

Bạn đang xem: Hiệp hội Cà phê Đặc sản/ Specialty Coffee Association (SCA)
Bài trước Bài sau
Viết bình luận của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỏ hàng

Gửi email cho chúng tôi
Xem địa chỉ doanh nghiệp