(Nguồn ảnh: Dân Việt)
Chống hạn cho cây cà phê trở thành đề tài “nóng sốt” trong bối cảnh khí hậu biến đổi thất thường như hiện nay. Theo dự báo, hạn hán trong mùa khô năm 2024 sẽ diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, đe dọa đến nguồn sản lượng vốn đã thấp. Người nông dân đã tận dụng hết mọi nguồn nước để giải quyết tình trạng này, nâng cao sản lượng cho vụ mùa cuối năm.
Hạn hán ảnh hưởng cây cà phê như thế nào?
Cà phê là cây cần lượng nước dồi dào để đơm bông, kết trái, nuôi cây. Khi gặp tình trạng hạn hán chúng sẽ không thể phát triển gây nên nhiều thiệt hại cho người nông dân.
(nguồn ảnh: tuoiviet.vn)
Khó ổn định diện tích canh tác
Việc thiếu nước tưới sẽ làm giảm năng suất cà phê từ 30 – 70%, đặc biệt là ở các vùng núi, đồi cao, hàng ngàn hecta cây cà phê đã chết khô làm người dân phải chặt bỏ. Tình hình này kéo dài sẽ khiến nông dân “nguội lòng”, phá bỏ diện tích trồng cà phê. Tuy nhiên khi sản lượng giảm lại dẫn đến sự gia tăng về giá, nhiều hộ lại quay về phục hồi diện tích. Chính điều này đã gây nên sự không ổn định trong diện tích canh tác cà phê.
Năng suất, sản lượng cây cà phê giảm
(nguồn ảnh: Báo Nông Nghiệp)
Không chỉ lượng nước, các biến động về yếu tố nhiệt ẩm, thời tiết khác trong các kỳ hạn hán đã làm giảm năng suất, sản lượng cây trồng. Trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển, cây cà phê cần nhiều nước để cung cấp dinh dưỡng cho cây, nếu không thể đáp ứng điều này quả cà phê sẽ bị khô, rụng hoặc thân nhỏ khiến người nông dân không thể thu các mẻ cà phê như ý.
Tăng nguy cơ dịch bệnh
Sự thay đổi của yếu tố thời tiết có xu hướng nóng lên làm cho sâu bệnh hại phát triển nhanh và khó dự báo. Những năm có chỉ số khô hạn cao thì sâu bệnh hại phát triển thành dịch. Cụ thể: Năm 2003, tỉnh Đăk Lăk xuất hiện dịch rệp sáp hại cà phê; năm 2004 nhiều địa bàn trên toản tỉnh xuất hiện bệnh vàng lá;…
Làm tăng kinh phí đầu tư trong sản xuất
Để ứng phó với tình trạng hạn hán, người nông dân phải bỏ nhiều kinh khí vào việc canh tác, sản xuất. Trong đó bao gồm các chi phí: Bón thêm phân, đạm, kali; đầu tư kỹ thuật cho hoạt động tưới tiêu; chi phí cho vật liệu chống hạn;…
(nguồn ảnh: Báo Nông Nghiệp)
Biện pháp chống hạn cho cây cà phê dài hạn
– Chủ động đào ao trữ nước; không trồng cà phê, hồ tiêu nơi không có nguồn nước tưới;
– Áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa), tưới luân phiên, đúng thời điểm, vừa đủ nước;
– Kết hợp bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón;
– Tăng cường hệ thống cây che bóng, đai rừng phòng hộ, trồng cây che phủ đất, trồng xen cây ăn quả phù hợp cho cà phê.
– Tủ gốc bằng lá khô, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp
– Tăng cường bón phân hữu cơ nhằm nâng khả năng giữ ẩm và giữ phân của đất;
– Bón phân vô cơ cân đối, sử dụng các loại phân bón lá có khả năng nâng cao tính chịu hạn;
– Tỉa bớt cành nhánh nhằm hạn chế thoát hơi nước;
– Thường xuyên kiểm tra vườn phát hiện sớm dịch hại để phòng trừ kịp thời nhằm tăng khả năng chống chịu của cây trong điều kiện khô hạn;
– Theo dõi dự báo thời tiết nông nghiệp để có biện pháp ứng phó kịp thời.
(nguồn ảnh: tuoitre.vn)
Biện pháp chống hạn cho cây cà phê trước mắt
– Tăng cường tủ gốc cho cây để giữ ẩm, hạn chế bốc hơi nước;
– Áp dụng tưới nước tiết kiệm: tưới gốc 250 – 300 lít/gốc, hoặc tưới nhỏ giọt 150 – 200 lít/gốc, chu kỳ 20 – 25 ngày tưới 1 lần;
– Sử dụng các loại phân bón lá chứa kẽm (Zn), bo (B) và Cl- hoặc NUCAFE từ 2 – 3 lần trong mùa khô để nâng cao khả năng chịu hạn, hạn chế rụng quả.
Nguồn tham khảo:
https://tuoitre.vn/bien-phap-phong-chong-han-cho-ca-phe-ho-tieu-1083187.htm